A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

THAY ĐỔI VÌ TRƯỜNG HỌC HẠNH PHÚC

   

THAY ĐỔI VÌ TRƯỜNG HỌC HẠNH PHÚC

Mô hình Trường học hạnh phúc đang được Bộ GD-ĐT triển khai ở nhiều địa phương với ba giá trị cốt lõi là: yêu thương, an toàn và tôn trọng. Mô hình không chỉ đề cao vai trò của Hiệu trưởng, các thầy cô giáo mà ngay cả những nhân viên bình thường như tạp vụ, bảo vệ trong trường học cũng không kém phần quan trọng.

Trường học hạnh phúc là ngôi trường mơ ước mà ở đó chỉ có niềm vui thầy trò, bạn bè dành cho nhau. Tuy nhiên để xây dựng được một ngôi trường hạnh phúc đích thực lại không hề đơn giản, đòi hỏi cái tâm thực sự của người quản lý cho đến mỗi giáo viên và nhân viên trong trường học.

* Xây dựng ngôi trường mơ ước

Chia sẻ tại buổi tập huấn chuyên đề  “Thay đổi vì trường học hạnh phúc” do Phòng giáo dục và đào tạo quận Hai Bà Trưng tổ chức mới đây, TS. Nguyễn Ngọc Ân, Phó chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Việt Nam cho rằng, muốn xây dựng được ngôi trường hạnh phúc thì trước tiên phải có những thầy cô hạnh phúc. Thầy cô phải thực sự yêu nghề, yêu thương và tôn trọng học sinh; luôn sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ, thông cảm và sẵn sàng làm tất cả những điều tốt nhất cho học sinh của mình. Khi hạnh phúc của thầy cô được lan tỏa đến học sinh, học sinh cũng thay đổi theo hướng tích cực hơn.

Theo TS.Nguyễn Ngọc Ân, thầy cô muốn học trò của mình cảm nhận được hạnh phúc trong mỗi buổi đến trường thì phải có phương pháp giúp học trò cảm nhận việc học thật sự thoải mái, không bị áp lực bởi điểm số thành tích. Các em đến trường không chỉ học kiến thức để đạt được những điểm số cao, mà còn học làm người và trau dồi những kỹ năng cần thiết cho quá trình trưởng thành. Thực tế, việc học đang đè nặng lên tâm lý của nhiều học sinh, khiến các em không còn cảm thấy thú vị.

Động lực để thành viên trong nhà trường phấn đấu

TS. Nguyễn Ngọc Ân chia sẻ, theo các nhà nghiên cứu, cũng như kinh nghiệm của một số nước trên thế giới, một trường học hạnh phúc có 21 tiêu chí. Nhưng cốt lõi có 3 tiêu chí quan trọng đó là: yêu thương, an toàntôn trọng.

Làm tốt 3 tiêu chí này, mỗi người chúng ta sẽ thấy hạnh phúc và hạnh phúc thực sự, chứ không phải sự ép buộc. Đây là nhu cầu tự thân, là động lực để các thành viên trong nhà trường phấn đấu.

Trao đổi về các tiêu chí nêu trên, TS. Nguyễn Ngọc Ân dẫn giải:

Về tiêu chí yêu thương, nội hàm của tiêu chí này:

Thứ nhất là sự quan tâm. Thầy, cô quan tâm đến đồng nghiệp, quan tâm đến học trò và học sinh quan tâm đến nhau. Nếu thiếu sự quan tâm, chỉ làm việc theo trách nhiệm, thờ ơ, vô cảm  thì chúng ta không hạnh phúc được.

Thứ hai là chia sẻ. Mỗi người có thuận lợi, khó khăn riêng. Do đó sự chia sẻ cho đi, nhận lại sẽ tạo ra một sự gần gũi và không có khoảng cách.

Thứ ba là sự tin tưởng lẫn nhau. Thầy, cô tin tưởng đồng nghiệp, tin tưởng học sinh và ngược lại. Nếu hoài nghi, đố kỵ sẽ không hạnh phúc được. Chúng ta có niềm tìn thì sẽ có sức mạnh và chấp cánh ước mơ.

Thứ tư là sự hỗ trợ. Hỗ trợ về tinh thần bằng sự chia sẻ và hỗ trợ về vật chất bằng sự giúp đỡ. Qua hỗ trợ tình cảm sẽ nảy nở, ích kỷ cá nhân là kẻ thù của hạnh phúc.

Thứ năm là sự bao dung. Không ai có thể hoàn hảo, không ai tránh khỏi sai lầm nhưng khi đã có sự bao dung thì mọi việc sẽ được nhìn nhận rất nhẹ nhàng. Như vậy, nội hàm sơ bộ của tiêu chí yêu thương là sự quan tâm, chia sẻ, tin tưởng, hỗ trợ và bao trùm lên bao dung.

Về tiêu chí an toàn: Trong trường học phải an toàn về thể chất và tinh thần. Giáo viên và học sinh phải được bảo vệ, không có sự xúc phạm về thể xác và tinh thần để mỗi khi đến trường như là về nhà.

Do vậy an toàn về thể chất, trước hết là chúng ta phát triển để khỏe mạnh, an toàn tinh thần, sự tổn thương về tinh thần thậm chí còn nguy hiểm hơn là tổn thương về thể xác và có thể đi hết cả cuộc đời.

Đối với tiêu chí tôn trọng: cần tôn trọng sự khác biệt bởi chính sự khác biệt ấy mới tạo nên sự đa dạng về văn hóa và đổi mới. Tôn trọng sự khác biệt, trước hết là không áp đặt, đem giá trị của một vài cá nhân, áp đặt cho cái chung.

Chúng ta hướng tới sự tốt đẹp, nhưng không có nghĩa là tất cả vài trăm người giống nhau như một, dẫn đến đồng phục hóa trăm người như một. Nếu tất cả đều giống nhau thì đó là triệt tiêu sự sáng tạo, triệt tiêu những tư tưởng đổi mới. Cho nên khuyến khích sự khác biệt nhưng phải trong sự thống nhất.

TS. Nguyễn Ngọc Ân chia sẻ các nhà trường, các thầy, cô giáo phải đồng hành cùng Công đoàn ngành GD Việt Nam trong việc triển khai Kế hoạch nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo vì một trường học hạnh phúc.

Các trường cần khảo sát, đánh giá, những tiêu chí nào đạt thì tiếp tục triển khai nhân rộng, những tiêu chí nào chưa đạt thì có kế hoạch cụ thể, triển khai dần từng bước. Để mỗi một năm, mỗi nhà trường, mỗi thành viên trong nhà trường cùng toàn thể các em học sinh cảm thấy được hạnh phúc hơn.

          (Nguyễn Văn Tám, Tổng hợp từ tài liệu và bài nói chuyện của TS. Nguyễn Ngọc Ân)


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 9
Hôm qua : 41
Tháng trước : 704